BỆNH CHÁY BÌA LÁ / BẠC LÁ GÂY HẠI LÚA

1. Tác nhân gây bệnh

Bệnh do Vi khuẩn Xanthomonas oryzae pv. oryzae gây ra. Vi khuẩn có một roi nên lội rất tốt trong nước, có thể sống từ 100C – 400C, nhiệt độ thích hợp nhất là 260C – 300C.

2. Triệu chứng bệnh

Triệu chứng điển hình là vết cháy dọc theo hai bên bìa của lá lúa, rồi lan dần vào gân chính của lá (Hình 1). Vết bệnh có thể bắt đầu từ rìa lá lan dần vào bên trong do vi khuẩn xâm nhập vào lá lúa qua các thủy khẩu dọc theo rìa lá. Tuy nhiên, vi khuẩn gây bệnh cũng có thể xâm nhập từ một vết thương ở bất kỳ nơi nào trên lá và gây vết bệnh lan dần theo chiều dọc, tạo ra vết bệnh giữa phiến lá.

Ban đầu vết bệnh có màu vàng nhạt hoặc màu đỏ nhạt, về sau vết bệnh chuyển sang màu xám trắng. Bệnh phát triển chậm trước khi lúa trổ. Nhưng phát triển rất nhanh sau khi lúa trổ đến gần thu hoạch. Bệnh nặng làm toàn bộ lá đều cháy trước thu hoạch. Trong điều kiện ẩm ướt (mưa đêm hoặc sương mù dày) vết bệnh có dạng thấm nước và có màu xanh lợt.

 Hình 1: Vết bệnh lan từ hai bên mép lá vào (Nguồn: PSG. Phạm Văn Kim)
Hình 1: Vết bệnh lan từ hai bên mép lá vào (Nguồn: PSG. Phạm Văn Kim)

Ngoài ra, bên dưới mặt lá lúa tại nơi vết bệnh có thể phát hiện các giọt dịch vi khuẩn hình tròn nhỏ, màu vàng nhạt. Giọt dịch vi khuẩn dễ phát hiện vào sáng sớm lúc trời còn ẩm ướt.

Ở những ruộng mắc bệnh nặng lúc lúa vào chắc, vi khuẩn gây bệnh còn tấn công lên hạt lúa gây các đốm biến màu có viền dạng thấm nước lúc hạt lúa còn non. Giai đoạn gần thu hoạch, hạt lúa có các đốm ngả màu xám hoặc vàng trắng; diện tích quang hợp giảm nên làm  giảm năng suất.

Giọt dịch vi khuẩn tiết ra từ vết bệnh có màu vàng

3. Sự lưu tồn, lây lan và xâm nhiễm của bệnh

       – Sự lưu tồn của bệnh: sau vụ lúa, vi khuẩn lưu tồn trong rơm rạ còn trên ruộng, trong lúa chét, trong các loại cỏ là ký chủ phụ (như cỏ lông công, cỏ lác rận, thủy trúc,..) và  có thể lưu tồn trên hạt lúa vừa thu hoạch. Trên hạt lúa được tồn trữ ở 250C – 300C, vi khuẩn gây bệnh sống được đến 2 tháng. Tuy nhiên, nếu hạt được phơi nắng khô thì vi khuẩn sống không quá 40 ngày. Vi khuẩn có thể sống trong đất từ  1 – 3 tháng. Trong nước kinh rạch, nước ruộng, có thể sống được vài tuần đến hai tháng.

– Sự lây lan và xâm nhiễm bệnh: vi khuẩn cháy bìa lá lây lan theo nước. Vi khuẩn trong nước ruộng hoặc từ lá lúa lân cận, sau khi bám sẽ lội trên mặt lá lúa để tìm đến các thủy khẩu ở dọc theo rìa lá và xâm nhập vào. Ngoài ra, các vết thương trên lá lúa cũng là cửa ngõ cho vi khuẩn xâm nhập, các vết thương cũ sau 24 giờ gần như không còn bị vi khuẩn xâm nhiễm gây bệnh. Mặt khác, vi khuẩn gây bệnh tập trung ở khí khẩu của lá lúa, nhưng do không tiến vào mạch nhựa của lá được nên không tạo ra bệnh.

4. Các yếu tổ ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh

       – Vi khuẩn thích trời nóng hoặc ấm và ẩm ướt, nên bệnh phát triển mạnh trong vụ hè thu và thu đông.

– Trời mưa sẽ giúp vi khuẩn lây lan ra xung quanh. Lúc trời có giông bão, gió mạnh sẽ làm lá lúa bị rách, gãy và đây là cửa ngõ quan trọng để vi khuẩn xâm nhập vào.

– Bệnh cháy bìa lá thường xuất hiện vào cuối giai đoạn đẻ nhánh của ruộng lúa. Bệnh lây lan khi có điều kiện thuận lợi như mưa to, hoặc lúc có người lội vào ruộng lúc lá còn ướt nước. Bệnh phát triển rất nhanh từ giai đoạn lúa trổ cho đến chín.

– Bệnh phát triển nhanh và nặng ở những ruộng được bón phân Đạm cao.

– Ruộng sạ dầy sẽ tạo điều kiện cho bệnh xuất hiện sớm.

Hình 5: Giống lúa Đài Thơm 8 bị nhiễm bệnh cháy bìa lá ở giai đoạn trổ

5. Phòng, trị bệnh

5.1 Phòng bệnh

– Sạ thưa, với mật độ khoảng 120 kg/ha.

– Sử dụng giống khỏe, ngâm ủ tốt.

– Làm đất kỹ, mặt ruộng bằng phẳng, không chỗ trũng, đọng nước và đọng phân Đạm – là nơi bệnh phát triển nặng. Làm đất sớm để tránh không bị ngộ độc axit hữu cơ.

– Không bón Đạm cao: vì khi có mưa, lúa non sẽ hấp thu quá nhiều N là điều kiện để bệnh bộc phát, phát triển nhanh và gây hại nặng.

5.2 Trị bệnh:

– Bệnh cháy bìa lá rất khó trị vì vi khuẩn nằm trong mạch nhựa của lá lúa. Cần phải trị thật sớm khi phát hiện ra một vài lá vừa mắc bệnh.

– Có thể sử dụng các loại thuốc để trị cháy bìa lá có các hoạt chất như: oxolinic acid, bronopol, bismerthiazol, quaternaly ammonium salt, các loại thuốc gốc đồng, các loại thuốc kháng sinh gentamycine + oxytetracyline, hoặc các loại thuốc sinh học như xạ khuẩn Streptomyces lydicus.

– Có thể sử dụng vôi để trị bệnh cháy bìa lá. Dùng vôi cục, loại vôi sống (lúc nhỏ vào nước sẽ sùi bọt và bốc khói), với liều lượng 0,5 kg cho bình phun 16 lít. Có thể pha vôi dưới dạng cốt, mang ra ruộng hòa thêm nước cho đủ liều lượng để phun. Sử dụng vôi có lợi là sau khi phun, vôi bám chặt trên bề mặt lá lúa nên lâu bị nước mưa rửa trôi. Khoảng cách 2 lần phun vôi là 10 ngày.

Kham thảo tài liệu: Sách “Các bệnh hại lúa quan trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long” của PGS. Phạm Văn Kim

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Zalo

0854.852.852